Mô hình nuôi cá lóc mang lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Quảng Xương

Trong điều kiện sản xuất đất nông nghiệp có hạn nên việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tìm một hướng đi mới, đưa cây con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất đang được nhiều gia đình quan tâm. Với mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng của gia đình anh Lê Thiên Nhâm, Thôn Dục Tú, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo anh Nhâm năm 2010 với nguồn vốn vay từ quỹ hỗ trợ nông dân huyện và vốn gia đình, anh đã thử nghiệm xây dựng 2 bể nuôi cá lóc thương phẩm. Sau vụ đầu tiên, thấy cá phát triển tốt, ít dịch bệnh, anh đã mở rộng thêm quy mô nuôi. Theo tính toán của anh một bể cá lóc có diện tích 60m2 chi phí đầu tư xây dựng ban đầu là 80 – 90 triệu đồng/bể, chi phí mua cá giống 10 triệu đồng/bể. Sau 6 tháng nuôi cho xuất bán khoảng 4 tấn cá thương phẩm, giá bán trung bình l60.000-70.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí (chi phí xây dựng bể cá, chi phí tiền đầu tư giống cá, chi phí thức ăn cho cá) anh thu lãi trên 100 triệu đồng. Vừa làm vừa quay vòng vốn, đến nay anh đã xây dựng được 20 bể xi măng nuôi cá lóc diện tích trên 1ha. Để chủ động nguồn giống cá anh đã học hỏi thêm kỹ thuật ươm nuôi cá giống từ tỉnh An Giang và xây dựng được 3 bể nuôi cá giống để cung cấp nguồn giống cá nuôi cho gia đình.

Bể nuôi cá lóc thương phẩm của anh Nhâm

Chia sẽ về kinh nghiệm nuôi cá lóc anh nói: Nuôi cá lóc trong bể xi măng có nhiều ưu điểm như chủ động nguồn nước, kiểm soát tốt được dịch bệnh, có thể tách những con bị bệnh để xử lý nhanh nên ít khi bị rủi do, tốn ít công khi thu hoạch; Cá lóc nuôi trong bể xi măng được thả 2 lứa/năm; Mật độ tốt nhất từ 100-130 con/m2; Quan trọng nhất là nước nuôi phải thay đổi mỗi ngày một lần, nguồn nước cung cấp cho cá mỗi ngày là nguồn nước từ giếng khoan, nguồn nước giếng khoan không được đưa nước trực tiếp vào bể nuôi cá nếu không sẽ gây ra các rủi ro làm cá bị ngạt, bị sốc nên trước khi đưa vào bể cá cần cho chảy qua một bể cát nhỏ là tốt nhất; Bể nuôi cá lóc thường được xây dựng theo hình chữ nhật diện tích tối ưu từ 50-60m2, tường xây bao quanh bể có độ cao khoảng 1m và nền bể được láng trơn để vệ sinh bể nuôi cá lóc được dễ dàng và tránh xây xước cho cá; Thông thường đáy bể nuôi cá lóc thường bằng phẳng, dốc về phía cống thoát nước để thuận tiện khi thay nước, bể nuôi cần lắp ống chống tràn giúp ổn định nguồn nước trong bể nuôi cá lóc; Với cá con khi mới thả cần có mái che cho bể để tránh ánh nắng quá ngay gắt, mưa to, cũng như tránh rét vào mùa đông. Để nuôi cá lóc trong bể xi măng, có chất lượng thịt cá thơm ngon giống như cá sinh trưởng ngoài tự nhiên thì thức ăn đóng vai trò rất quan trọng. Nếu cá cho ăn thức ăn công nghiệp sẽ cho chất lượng thịt nhão, không thơm nhiều mỡ vì khi ăn thức ăn công nghiệp cá thường trong trạng thái nghỉ, ít vận động dẫn đến thịt cá không săn chắc. Với điều kiện thuận lợi là địa phương gần biển, dồi dào nguồn cá biển nhỏ để chế biến nguồn thức ăn cho cá, hàng ngày anh đều đặt  mua các tàu thuyền nguồn cá tạp này để làm thức ăn cho đàn cá nuôi với giá bán trung bình khoảng 5.000-6.000 đồng/kg. Khi cá lóc còn nhỏ thì xay nhuyễn cá tạp để cho cá ăn, nguồn thức ăn cá tạp sẽ được tiêu hóa trong vòng 1 ngày, cá nuôi trong bể có thời gian hấp thu dinh dưỡng, lớn theo chu kỳ tự nhiên chứ không lớn nhanh, lớn phổng như cá nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Hơn nữa trong quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra chậm, cần tới sự hoạt động của các cơ quan nội tạng giúp con cá không ngừng hoạt động cũng là yếu tố làm nên chất lượng thịt sẽ săn chắc. Vì vậy cá trong bể nuôi của anh thu hoạch đến đâu được các thương lái, siêu thị bigc Thanh Hóa, nhà hàng, trường học đến tận nơi để thu mua nên hết.

Có thể thấy việc nuôi cá lóc trong bể xi măng có lợi nhuận tương đối cao, hiệu quả kinh tế lớn. Chi phí đầu tư ban đầu không nhiều, không đòi hỏi diện tích nuôi lớn. Nên tận dụng được việc nuôi trong gia đình, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở các vùng trong tỉnh.

HOÀNG BÍNH