Sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn

Theo tổ chức Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế(IFOAM): Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều  kiện cho sự chuyển hóa  khép kín trong  hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất.

Khu nhà lưới trồng dưa kim Hoàng hậu công nghệ cao Hoằng Đạt

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp hữu cơ không còn xa lạ đối với người nông dân, đó là xu thế tất yếu mà người sản xuất hướng tới để sản xuất và phát triển sản phẩm của mình. Trên địa bàn tỉnh, không khó để bắt gặp hình ảnh những cánh đồng sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, nhà màng, nhà lưới khắp nơi của người dân. Và thực tế, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ được xây dựng thành công nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, để nhân rộng và phát triển bền vững NNHC vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức

Để sản xuất NNHC, cần phải tuân thủ các quy định, như: Không sản xuất hữu cơ xen lẫn với sản xuất thông thường và vùng đang chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ; không sử dụng các loại giống cây chuyển đổi gen; không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các loại phân bón tổng hợp… Vì vậy, việc tổ chức sản xuất để đáp ứng quy định nghiêm ngặt của NNHC là một thách thức lớn. Tìm hiểu tại mô hình sản xuất lúa nếp cái hoa vàng hữu cơ tại xã Hà Long (Hà Trung) có diện tích 200 ha, được biết: Khi tham gia vào mô hình, người dân được hỗ trợ về giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, tư vấn kỹ thuật từ gieo mạ đến khi thu hoạch… Tất cả quy trình trồng chăm sóc đều có sự hướng dẫn của chuyên gia theo tiêu chuẩn Vietgap Năng suất lúa tăng từ 10 đến 15% so với sản xuất truyền thống, lợi nhuận tăng từ 2 – 2,5 lần so với sản xuất thông thường và được Công ty CP Sao Khuê ký cam kết thu mua 100% lúa thương phẩm. Ông Lê Minh Công, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long, cho biết: Ngoài việc cung cấp cho thị trường nông sản có chất lượng cao thì sản xuất lúa theo hướng hữu cơ còn có tác động lớn về mặt môi trường, nuôi dưỡng chất lượng đất và bảo vệ môi trường sống an toàn cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình canh tác, dù đã được phổ biến kỹ thuật nhưng hầu hết người dân còn lệ thuộc vào tập quán canh tác cũ, vấn đề kỹ thuật, chuyên môn còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật sao cho đồng bộ đến các hộ xã viên… Mặt khác, nếu không ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm qua công ty trung gian thì người tiêu dùng sẽ chưa biết đến sản phẩm nhiều, sẽ khó cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo truyền thống do chi phí sản xuất cao, nhưng giá cả lại chưa tương xứng.

Thành lập năm 2019, HTX dịch vụ nông nghiệp Công nghệ cao Hoằng Đạt của anh Lê Ngọc Chung, xã Hoằng Đạt ( huyện Hoằng Hóa) được đánh giá là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có quy mô lớn. Hiện nay, trang trại của anh có 4.500m2 trồng dưa kim hoàng hậu và rau, củ, quả hữu cơ. Mỗi luống cây trồng đều được gắn bảng thông tin về quá trình sinh trưởng, như: Ngày xuống giống, ngày bón phân, ngày dự kiến thu hoạch… Tuy nhiên, theo cán bộ kỹ thuật của trang trại thì quy trình sản xuất hữu cơ phải tuân thủ nghiêm ngặt “6 không” (không bón phân hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc kích thích sinh trưởng, không thuốc diệt cỏ, không giống biến đổi gen, không chất bảo quản). Trong khi đó chi phí đầu tư cao, cần nhiều sức lao động, kỳ công hơn so với các hình thức sản xuất thông thường, người lao động phải tự tay thụ phấn cho hoa đối với cây dưa kim hoặc đối cây rau củ ngoài dùng phân bón hữu cơ còn phải trực tiếp bằng tay tiêu diệt cỏ dại, sâu bệnh nên tốn thời gian và công sức hơn nhiều so với hình thức canh tác thông thường. Điều này dẫn đến giá thành nông nghiệp hữu cơ luôn cao hơn từ 2-3 lần sản phẩm nông nghiệp khác. Ngoài ra nguồn lao động chủ yếu cũng là các lao động trung tuổi ở đại phương còn nguồn nhân lực trẻ tuổi có sức khỏe nhanh nhẹn làm cho các khu công nghiệp nên chất lượng, trình độ lao động cũng bị hạn chế không đáp ứng được yêu cầu của chủ sản xuất.

Với các mô hình trồng rau công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới tại các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Hoằng Hóa,… Ngoài áp dụng quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, đối với việc quản lý sâu bệnh, người sản xuất chỉ được phép xử lý bằng các chế phẩm sinh học, dùng thảo mộc, bẫy bả, bắt thủ công,…. nên những năm đầu năng suất giảm mà chi phí sản xuất tăng đồng thời khó kiểm soát được các loại sâu bệnh do phụ thuộc nhiều yếu tố. Do đó sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng, dinh dưỡng, hình thức của các loại rau khiến cho người trồng rau phải vất vả chăm bón  nhưng do mẫu mã không đẹp nên chưa chắc giá bán rau sẽ cao hơn các loại rau canh tác thông thường. Đồng thời muốn sản xuất rau hữu cơ cần phải có phân chuồng, phân xanh. Hiện nay, việc cơ giới hoá nông nghiệp đã làm giảm đáng kể đàn vật nuôi, nhất đàn là trâu, bò, cùng với đó người dân có thói quen đốt thực bì, cây xanh, rơm rạ ngay sau khi thu hoạch gây khó khăn trong việc tìm kiếm được nguồn cây xanh, mùn cưa, rơm, rạ… để ủ phân xanh nên phải nhập từ nơi khác về khiến cho chi phí sản xuất tăng mà nguồn cung không được liên tục. Theo đại diện các HTX rau an toàn Hoằng Giang, Hoằng Hợp là 2 xã có vùng chuyên canh rau an toàn với diện tích trên 60ha của huyện Hoằng Hóa cho biết cho biết: Kinh phí cấp chứng nhận cho sản phẩm rau hữu cơ rất tốn kém so với thu nhập của các nông hộ (hàng chục triệu đồng/ha) trong khi thu nhập trong thời gian đầu khi mới chuyển sang trồng rau an toàn sẽ bị giảm thấp nên nhiều hộ không mặn mà khi chuyển đổi sang canh tác theo hướng hữu cơ an toàn. Quy mô, diện tích các vùng trồng rau chưa tập trung đủ lớn để cung cấp ra thị trường. Hiện các loại rau của các HTX  tiêu thụ ở một số nơi như Siêu thị BigC, Co.op Mark, Khách sạn Dạ Lan,… và một số bếp ăn trường học, tập thể trên địa bàn thành phố tuy nhiên lượng cung vẫn chưa đủ nhu cầu hàng ngày dẫn đến giá bán cao hơn các loại rau củ quả thông thường. Hơn nữa, do khâu quảng bá sản phẩm còn hạn chế nên người tiêu dùng vẫn chưa biết đến sản phẩm rau, củ quả hữu cơ. Thực trạng trà trộn xen lẫn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ xen với sản phẩm theo phương thức canh tác cũ khiến cho người tiêu dùng thiếu niềm tin đối với các sản phẩm rau quả an toàn. Phần lớn khách hàng đang còn nghi ngờ với chính những sản phẩm sản xuất trong nước do sự thiếu thông tin. Vì lẽ đó, sản phẩm cũng chỉ xuất hiện ở một số cửa hàng an toàn thực phẩm và siêu thị trên địa bàn thành phố hoặc người dân địa phương biết thì tìm đến mua nên sản phẩm còn hạn chế chưa được đông đảo người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng trong khi nhu cầu sử dụng sản phẩm hữu cơ là khá cao không chỉ ở thành phố mà ngay cả ở nông thôn;

Có nhiều vùng sản xuất rau chuyên canh  tỉnh ta có tiềm năng để phát triến các vùng sản xuất rau hữu cơ. Tuy nhiên để phát huy được thế mạnh này, trước mắt, cần quy hoạch vùng sản xuất. việc quy mô hóa, tập trung đất cho sản xuất hữu cơ cũng như việc quy hoạch vùng trồng chưa được triển khai hợp lý do NNHC cần có vùng cách ly với nông nghiệp truyền thống, nhằm ngăn tác động trực tiếp của hóa chất với sản phẩm. Cùng với đó là sự liên kết chuỗi, một hoạt động sản xuất kinh doanh có quan hệ với nhau từ việc cung cấp đầu vào, sản xuất, thu gom, chế biến và cuối cùng là bán sản phẩm cho người tiêu dùng.Thành lập tổ hợp tác, HTX sản xuất rau hữu cơ để cùng liên kết với nhau trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo được nguồn nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ, phân xanh bón cho rau bằng cách thành lập được các tổ hợp tác, HTX chuyên thu gom và cung cấp nguyên liệu như rơm, rạ, mùn cưa… cho các đơn vị, các hộ dân sản xuất rau hữu cơ. Thành lập được các doanh nghiệp, đơn vị chuyên cung cấp các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc cho người sản xuất rau hữu cơ. Một đòi hỏi vô cùng quan trọng nữa trong sản xuất rau hữu cơ là nhà sản xuất phải làm ăn nghiêm túc, có lương tâm và trách nhiệm để tạo dựng được uy tín bền vững với người tiêu dùng.

Trước thực tế này, ngành Nông nghiệp đã có các cơ chế, chính sách: Theo Nghị định 109, ngày 28-8-2018 của Chính phủ về NNHC, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% kinh phí khảo sát địa hình, lựa chọn địa điểm, phân tích các điều kiện… trong quá trình triển khai thực hiện sản xuất; hỗ trợ 100% chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về NNHC (1 lần)… Ngoài ra, Nhà nước cũng hỗ trợ một phần chi phí đào tạo, tập huấn sản xuất, giống, phân bón… đối với mô hình trồng trọt và chi phí giống, thức ăn hữu cơ và thuốc thú y đối với mô hình chăn nuôi, thủy sản và chi phí nhân rộng mô hình theo quy định của Chính phủ về khuyến nông… Bên cạnh đó, sản xuất NNHC phải phát triển song hành với truy xuất nguồn gốc, tuân thủ, minh bạch trong quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng và sự phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nhằm thay đổi thói quen sản xuất của người dân; thay thế phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật bằng phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc thảo dược được quy định… Các doanh nghiệp, HTX, người dân cần có các phương thức liên kết sản xuất để bảo đảm thị trường tiêu thụ ổn định.

Nếu sản xuất nông nghiệp theo tập quán lâu nay chạy theo số lượng, lạm dụng phân bón, hóa chất, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học bị suy giảm mà ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người và thế hệ tương lai… Do vậy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là thực sự đúng đắn và cần thiết để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời cũng bảo đảm cho hệ thống sản xuất bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế. Vì vậy nông nghiệp Thanh Hóa nói riêng và Nông nghiệp Việt Nam nói chung nên thay đổi theo hướng bền vững và hiệu quả hơn đó là sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cho dù trước mặt còn nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi sự quản lý của nhà nước, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn và trên hết là sự đồng thuận từ người tiêu dùng

Phương Thúy