Thực trạng mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp hiện nay

Liên kết sản xuất là yếu tố quan trọng trong giai đoạn hiện nay nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Hợp tác, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản, góp phần tăng sức cạnh tranh trên thị trường là hết sức quan trọng. Cùng với đó làm tốt vai trò quản lý của Nhà nước trong việc giám sát liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo nguyên tắc các bên tham gia đều bình đẳng và có lợi. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Nga Yên, huyện Nga Sơn là một trong những đơn vị đầu tiên phát triển hiệu quả mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Để tìm đầu ra cho sản phẩm HTX đã trực tiếp tìm kiếm thị trường, liên kết với nhiều doanh nghiệp có uy tín, có địa chỉ tin cậy để thu mua, chế biến nông sản cho nông dân như việc hợp tác với Doanh nghiệp Nguyễn Hữu Tình (Hải Dương) triển khai trồng dưa hấu, ký hợp đồng với Công ty Orion Việt Nam trồng khoai tây,…Đặc biệt việc tìm đầu ra cho sản phẩm đã nâng giá trị nông sản gấp 1,5 đến 2 lần, đồng thời hình thành mối liên kết theo chuỗi giá trị. Bên cạnh, việc hợp tác đã giúp người dân yên tâm sản xuất, không lo về đầu gia cho sản phẩm, lại có thu nhập ổn định và hạn chế được rủi ro, đồng thời giúp doanh nghiệp ổn định được nguồn hàng, kiểm soát được chất lượng sản phẩm đến người tiêu dung.     

Trong các mô hình liên kết, liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp chưa thể hình thành nên một mô hình hoàn chỉnh để giữ cho sản xuất ổn định và bền vững. Hiện nay đang còn có rất nhiều mắt xích trong chuỗi sản xuất nông nghiệp liên kết lại với nhau để hình thành nên mối liên kết “ 6 nhà” mà doanh nghiệp là hạt nhân và chính là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi liên kết, đến nay các mối liên kết này vẫn chưa thật sự đầy đủ. Cần tuyên truyền, vận động, giải thích, nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích khi tham gia liên kết sản xuất. Cần có các doanh nghiệp đủ năng lực và tâm huyết để tham gia vào mô hình liên kết và rất cần sự đóng góp công sức, trí tuệ, kinh nghiệm của các nhà khoa học,…Tuy nhiên những mô hình liên kết thành công vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân lớn nhất hiện nay đó là: Việc sản xuất theo hộ gia đình, quy mô đất đai của hộ nông dân nhỏ lẻ, manh mún. Bình quân diện tích đất nông nghiệp thấp và được chia thành nhiều mảnh.

    Liên kết sản xuất lúa nếp hương xã Thiệu Viên, Thiệu Hóa

Các tổ chức đại diện của nông dân là các HTX có đủ năng lực để tổ chức cho người sản xuất liên kết được với doanh nghiệp còn rất thiếu. Các hoạt động của HTX cũng đa phần còn hạn hẹp, mới chỉ thực hiện được một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Thị trường nông sản biến động mạnh cũng như đang ngày càng trở nên bấp bênh, không ổn định và có yêu cầu khắt khe hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa cộng với sự hạn chế về khả năng cung cấp thông tin và nhận thức, tư duy ngắn hạn của cả phía doanh nghiệp và người nông dân là những cản trở không nhỏ đối với quá trình xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết ở quy mô lớn và dài hạn.

Hành lang pháp lý đảm bảo liên kết bền vững còn yếu, thiếu các cơ chế, chế tài đủ mạnh để triển khai được mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hợp đồng một cách bền vững. Tỷ lệ thành công của những hợp đồng liên kết còn thấp, tình trạng doanh nghiệp hoặc nông dân “bẻ kèo” vẫn còn phổ biến. Người sản xuất hiện nay chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chưa tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Các hộ sản xuất chưa chú ý tới liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát mạnh ai người đó làm nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm đủ lớn và ổn định.

Trong khi đó các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm thường ký các hợp đồng với các trang trại lớn, các vùng có lượng sản phẩm lớn và ổn định. Doanh nghiệp làm trung gian phân phối song đầu tư sản xuất nông nghiệp hiệu quả không cao, tính rủi ro lớn, bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa cụ thể nên phần lớn các doanh nghiệp lớn còn chưa mặn mà đầu tư. Đặc biệt tình trạng người sản xuất phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm gia tăng đột biến, tự ý bán phá giá cho các thương lái khác khi giá bán cao hơn thường xuyên xảy ra…Điều này dẫn đến hậu quả tình trạng “Được mùa mất giá, ít thiếu nhiều thừa”, hiệu quả kinh tế không cao, chưa tạo được tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân nhiều nơi còn thấp, thiếu thông tin thị trường, một số bộ phận còn chạy theo lợi ích trước mắt.

Việc liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo thuận mua vừa bán. Tình trạng tiêu thụ sản phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian phân phối nên giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất, sức cạnh tranh chưa cao, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền quảng bá Marketting giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn yếu, người tiêu dùng thiếu thông tin về sản phẩm, chưa biết cách nhận diện sản phẩm an toàn chất lượng cao, chưa nắm được địa chỉ cơ sở sản xuất uy tín,… Nguyên nhân là do công tác thông tin truyền thông định hướng sản phẩm theo khách hàng của doanh nghiệp còn hạn chế. Hậu quả là, người tiêu dùng phải sử dụng hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe và mất lòng tin với người sản xuất.

Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ lẻ như hiện nay thì phát triển các hình thức liên kết trung gian thông qua tổ chức đại diện của nông dân là các HTX, được coi là phù hợp nhất, đáp ứng được yêu cầu liên kết của cả người dân và doanh nghiệp. Để thực hiện được điều đó cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất thông qua việc tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nông dân dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, gia trại sản xuất quy mô lớn, gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.

Nhà nước cần hỗ trợ phát triển, nâng cao năng lực cho các HTX để có đủ sức làm trung gian liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Theo đó, các chính sách của nhà nước cần tập trung vào: Đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ HTX về kỹ năng quản trị, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, kết nối thị trường; hỗ trợ HTX tiếp vận vốn, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ phòng ngừa: bảo hiểm, rủi ro, bảo hộ sản xuất trong nước.

Huy động sự tham gia hỗ trợ của chính quyền cơ sở và hệ thống chính trị, xã hội. Trong quá trình liên kết cần có sự tham gia của các Hội nông dân xã, cán bộ thôn, bản làm cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân, hoặc phối hợp với chặt chẽ với chính quyền địa phương cấp xã trong việc tổ chức sản xuất và thực thi hợp đồng.

Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn để xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vùng xa trung tâm, giúp nông dân nâng cao năng suất, thu nhập,… Đối với các huyện có thế mạnh sản xuất nông nghiệp cần có cơ chế tháo gỡ về tích tụ đất đai, nguồn vốn để xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Đối với vùng chăn nuôi cần tính đến quy hoạch nhà máy chế biến trong vùng,…

Có thể thấy, liên kết trong sản xuất nông nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế và rất cần thiết trong thời điểm hiện nay. Để phát huy những lợi thế trong liên kết sản xuất nông ngiệp, trong thời gian tới cần đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất phát triển và tăng cường liên kết phải xuất phát từ quan điểm phát triển chuỗi giá trị nông sản, các ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh rà soát, ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, liên kết sản xuất. Cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh của từng địa phương gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Cùng với đó, làm tốt vai trò quản lý của Nhà nước trong việc giám sát ký kết hợp đồng giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo nguyên tắc các bên tham gia liên kết đều bình đẳng và cùng có lợi, góp phần xây dựng các mối liên kết bền vững, hiệu quả.

Như vậy, xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững là xây dựng thành công mô hình liên kết 6 nhà “nhà nông – nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà băng – nhà báo”. Bởi suy cho cùng, nếu liên kết chặt chẽ, tất cả các bên đều có lợi./.

                                                                                                Văn Lộc