Mô hình nuôi đà điểu hiệu quả kinh tế cao tại huyện Thiệu Hóa

Gia đình ông Đào Đức Thủy ở Tiểu Khu 5, thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa từng nhiều năm nuôi gà, lợn, bò và cá trên diện tích 1ha đất thầu khoán. Tuy nhiên, giá cả bấp bênh khiến ông Đào Đức Thủy quyết tâm tìm đối tượng nuôi mới để làm giàu. Ông Thủy ra các tỉnh Miền Bắc tham quan nhiều mô hình và học tập kinh nghiệm nuôi đà điểu. Qua quá trình tìm hiểu, ông Thủy thấy, đà điểu là loài chim dưới đất, có tầm vóc to lớn, dễ nuôi, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, thích nghi tốt với môi trường. Đà điểu là loài chim ăn tạp và tiêu hóa chất xơ rất tốt nên lượng thức ăn chỉ bằng 1/5 so với chăn nuôi bò, thức ăn gồm: cỏ voi, lúa, ngô, chuối cây, cám con cò,…tiêu tốn thức ăn 1,4 kg hỗn hợp và 3 – 4 kg rau xanh/con/ngày, tăng trọng bình quân từ 8,5 – 9 kg/ tháng, sinh sản một năm con mái có thể đẻ được 60 – 80 quả trứng. Trọng lượng trứng từ: 1.200 – 1.600 gam, tỷ lệ ấp nở đạt từ 40-50%, con trống trưởng thành cao 2,1 – 2,7m, khối lượng nặng tới 120-150 kg; con mái cao 1,75 – 1,95 m, khối lượng nặng 90- 120 kg.

Năm 2016, ông mua 150 con đà điểu châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) về nuôi. Năm đầu, do chưa có kinh nghiệm, con giống bị hao hụt không ít. Tuy nhiên, nhờ kiên trì theo dõi đặc tính sinh hoạt, thức ăn của đà điều, dần dần gia đình ông đã giảm tỷ lệ hao hụt. “Bây giờ nghĩ lại cũng thấy mình mạo hiểm quá. Dù mới nuôi lần đầu nhưng mua đến 150 con. Nhưng cũng may, nuôi đà điểu không quá phức tạp nên cũng làm quen kỹ thuật nuôi nhanh” ông Thủy chia sẻ. Nhờ khéo chăm sóc, mỗi lần ra Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, thay vì mua con giống cỡ lớn, để giảm chi phí đầu vào ông Thủy thường mua loại giống nhỏ có trọng lượng 1,2 kg/con với giá 1,5 triệu đồng/con. Giai đoạn đầu rất quan trọng vì phải úm tốt, tiêm các loại vắc xin gia cầm, có thể cho ăn cám công nghiệp hoàn toàn trong vòng 2 tháng, đạt trọng lượng 10-15 kg/con. Giai đoạn sau đó giảm dần lượng thức ăn công nghiệp, cho ăn thêm ngô bột, lúa, ngô hạt, các phụ phẩm nông nghiệp, đậu xanh, cỏ voi. Nếu xác định nuôi thương phẩm thì nên tính toán tách thức ăn công nghiệp sớm để thịt ngon. Còn nếu nuôi sinh sản thì duy trì thức ăn công nghiệp để chúng đủ chất dinh dưỡng. Khu vực nuôi đà điểu cần cách ly với khu vực ồn ào bên ngoài; địa hình cần rộng, bằng phẳng để chúng tự do đi lại không bị gãy chân; nếu vây bằng thép B40 thì phải đảm bảo để chúng không bị vướng vào thép gây rách da, chảy máu. Các dãy chuồng được ông Thủy bố trí xa khu vực cổng ra vào, máng ăn được phân làm 2 ngăn, một ngăn cho ăn thức ăn công nghiệp, một ngăn đựng thức ăn xơ. Nước uống cho đà điểu phải được cung cấp thường xuyên vì nhu cầu của chúng rất lớn. Ngoài việc trồng cỏ, ngô tự cung tự cấp thức ăn, ông Thủy còn thu mua các phụ phẩm nông nghiệp trong vùng để phục vụ chăn nuôi.

Đến nay, tổng đàn đà điểu của trang trại ông đã lên đến 220 con, trong đó có 80 con bố mẹ, mỗi năm xuất từ 100- 120 con, trọng lượng từ 100-120 kg/con (thời gian nuôi từ 8 tháng đến 1 năm), tương đương từ 10 – 12 tấn/năm. Với giá bán hiện tại là 100 nghìn đồng/kg hơi.

Ngoài việc xuất đà điểu thương phẩm nguyên con cho thị trường trong và ngoài tỉnh, gia đình ông còn tự mổ thịt bán cho đám cưới, nhà hàng,… đặc biệt gia đình ông còn có một quầy bán thịt đà điểu tại chợ thị trấn Vạn Hà và bán tại nhà với giá 200 – 240 nghìn đồng/kg. Ngoài thịt, lông, da đà điểu cũng được thương lái thu mua với giá 1,2 – 1,5 triệu đồng/ bộ. Ngoài ra trang trại có 80 con đà điểu bố mẹ đủ tiêu chuẩn sản xuất con giống, phục vụ cho gia đình mà còn cấp cho thị trường từ 500 – 600 con/năm, với giá bán từ 2 – 2,2 triệu đồng/con, thời gian xuất chuồng là 20 ngày. Tổng doanh thu từ 1 – 1,2 tỷ/năm trừ chi phí con giống, thức ăn, nhân công lãi từ 500 – 700 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Công sức lao động miệt mài cùng với niềm đam mê học hỏi, dám nghĩ, dám làm của ông Thủy không những đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho gia đình mà đã và đang đã mở ra một hướng mới trong chăn nuôi của người dân huyện Thiệu Hóa. Ông Thủy mong muốn tiếp tục được sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền nhằm nhân rộng mô hình, liên kết các nhóm hộ gia đình cùng nuôi đà điểu để tạo thành sản phẩm hàng hóa chất lượng cao hơn, gắn giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ, góp phần thúc đẩy phất triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương.

 

                                                                                                       Văn Lộc