Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Thiên trường 36

Hiện nay, người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng thực phẩm, nông sản sạch, dinh dưỡng tốt, thân thiện với sức khỏe con người và môi trường ngày càng nhiều. Đòi hỏi ngành nông nghiệp, người nông dân sản xuất phải nắm bắt, đón đầu xu hướng đó để ứng dụng những phương thức sản xuất đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Trong xu thế chung đó, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm hữu cơ sạch, an toàn cho sức khỏe con người. Nổi bật nhất và đi đầu đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất phải kể đến mô hình sản xuất nông sản hữu cơ của Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ thương mại nông nghiệp Công nghệ cao Thiên Trường 36 (TT Rừng Thông, Đông Sơn).

(Mô hình sản xuất nông nghiệp CNC trong nhà lưới của Công ty TNHH Thiên trường 36)

Ông Nguyễn Xuân Thiên – Giám đốc Công ty cho biết: Sau một thời gian bươn chải khắp Bắc chí Nam làm dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp, ông nhận thấy sản xuất ông nghiệp canh tác truyền thống có nhiều bất cập, rủi ro mà hiệu quả kinh tế không cao, trong khi đó xu hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nước mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần mà trong quá trình sản xuất không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người của cả người sản xuất và người tiêu dùng, không gây ô nhiễm môi trường. Năm 2016 ông thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Thiên trường 36 để hiện thực hóa ý tưởng của mình đồng thời mở thêm dịch vụ sử dụng máy nông nghiệp để vừa tự phục vụ việc sản xuất của mình vừa làm dịch vụ cho một số dơn vị trên địa bàn. Và ngay từ khi bước vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ông đã quyết tâm phải sản xuất thành công nông sản hữu cơ để cung ứng ra thị trường. Ông đã đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng 2 khu nhà màng, nhà lưới với diện tích 30.000m2. Trong đó được chia thành các khu để sản xuất loại rau, củ, quả như dưa kim hòang hậu, dưa chuột baby, cà chua, các loại rau ăn lá, rau thủy canh. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, ông còn áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Isarel, các phương pháp ghép cành, sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng cao. Theo ông, tuy phát triển nông nghiệp CNC phải có vốn đầu tư lớn nhưng quy trình sản xuất không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản. Theo chị Thủy Tiên, cán bộ công ty, cho biết: Trong suốt quy trình sản xuất mỗi luống cây trồng đều được gắn bảng thông tin về quá trình sinh trưởng, như: Ngày xuống giống, ngày bón phân, ngày dự kiến thu hoạch…: Sản xuất cây trồng theo phương pháp hữu cơ rất khó. Bởi, quy trình này cần nhiều sức lao động, phức tạp và kỳ công hơn so với các hình thức sản xuất thông thường. Đồng thời, phải tuân thủ nghiêm ngặt “6 không” (không bón phân hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc kích thích sinh trưởng, không thuốc diệt cỏ, không giống biến đổi gen, không chất bảo quản). Với quy trình đó, rau hữu cơ không chỉ an toàn cho cả người sử dụng và người sản xuất, mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Qua sản xuất và ứng dụng vào thực tế, nhận thấy do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên tình trạng sâu bệnh diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và năng suất của cây trồng, tuy nhiên nhờ sự phát triển cây trồng trong nhà lưới nên môi trường ổn định và sự chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật của con người trong sản xuất nên việc việc canh tác trong nhà lưới đã chống được côn trùng, sâu bệnh tới 50%.Trong trường hợp cây trồng bị nhiễm bệnh, sẽ dùng các loại thảo mộc như tỏi, gừng, ớt,… đem giã và trộn với rượu rồi phun cho cây, hoặc khoanh vùng để tiêu hủy… Vì vậy các sản phẩm của Công ty luôn được đảm bảo về an toàn chất lượng và mẫu mã đẹp mắt. Bình quân mỗi năm mô hình thu sản lượng 120 tấn nông sản. Sản phẩm được phân phối tại các chuỗi siêu thị như Lotte Hà Nội, Coop mart Thanh Hóa, và tại các cửa hàng rau an toàn trên địa bàn thành phố. Để sản phẩm được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, ông đã đầu tư xây dựng thêm 3 cửa hàng rau, củ, quả an toàn để giới thiệu và cung ứng sản phẩm tận tay người tiêu dùng. Cũng trong năm 2016, hệ thống sản xuất của Công ty được chứng nhận VietGAP.  Năm 2019, có 2 sản phẩm là dưa Kim Hoàng hậu và dưa chuột baby của Công ty TNHH MTV Dịch vụ nông nghiệp CNC Thiên Trường 36 sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao. Bởi được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt nên giá bán các sản phẩm rau, củ, quả cũng tăng giá hơn gấp 3- 5 lần so với các sản phẩm thông thường như đối với dưa kim Hoàng hậu, dưa lưới, dưa Lê Hoàn là 50.000đ/kg, dưa chuột baby 30.000đ/kg, cà chua 20.000đ/kg,…Doanh thu của toàn HTX hàng năm ổn định từ năm 2016 đến nay ở mức 11-12 tỷ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực rau, củ, quả an toàn đạt sản lượng 120 tấn/năm, doanh thu trên 3 tỷ đồng, lãi ròng gần 1 tỷ đồng và sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới. Công ty còn tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên và lao động thời vụ với mức lương từ 5 – 7 triệu đồng/tháng. Nói về những dự định trong tương lai gần, ông cho biết tiếp tục mở rộng và phát triển mô hình, năm 2021 sẽ mở rộng thêm 2.000m2 nhà màng sản xuất lan hồ điệp ứng dụng công nghệ điều khiển ra hoa tại chỗ. Hiện ông đã đạt được thỏa thuận tích tụ 50-70 ha đất 2 lúa để sản xuất lúa hữu cơ thương phẩm và liên kết sản xuất lúa giống với một số đơn vị. Để thực hiện mục tiêu này, ông đã đầu tư mua máy cuộn, ép rơm rạ. Rơm bấy lâu nay nông dân đốt giữa cánh đồng sẽ được ông tận dụng để về phục vụ cho sản xuất của trang trại và bán cho những đơn vị có nhu cầu

Có thể nói, việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp CNC là một xu thế tất yếu. Để phát triển nông nghiệp CNC, việc đổi mới khoa học – kỹ thuật được xem là một trong những giải pháp then chốt, giúp giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp như nhà màng, nhà lưới, sử dụng hệ thống lưới tiết kiệm, nhỏ giọt, tự động và bán tự động, đèn LED… Từ đó giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Điều này cũng giúp giảm bớt sự lệ thuộc của quá trình sản xuất nông nghiệp vào các yếu tố tự nhiên, như: thời tiết, khí hậu… Tạo ra sản phẩm sạch, an toàn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, an toàn cho sức khỏe và điều quan trọng nữa là an toàn cho cả người sản xuất và không gây ô nhiễm môi trường. Nắm bắt được những lợi ích của việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp CNC tại các xã Đông Tiến, Đông Thịnh, Đông Yên, Đông Minh, Đông Văn,… với quy mô mỗi nhà màng từ 1.000m2 trở lên. Các mô hình sản xuất này đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên từng đơn vị diện tích, tạo việc làm cho lao động và mang lại hiệu quả kinh tế gấp 5 đến 10 lần so với sản xuất thông thường. Để hỗ trợ những mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới, đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Sơn, cho biết: Từ hiệu quả của sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, huyện Đông Sơn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy, tạo chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm của người dân về nhu cầu thị trường, xu hướng lựa chọn, tiêu dùng thực phẩm sạch và sản phẩm hữu cơ. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp CNC, quy mô lớn; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho người dân để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC. Các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP phải bảo đảm an toàn, được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, có thông tin truy xuất nguồn gốc, bao bì tem nhãn sản phẩm thông tin đầy đủ. Tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ các sản phẩm của các đơn vị tham gia chương trình OCOP như xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm và mẫu mã bao bì, quy hoạch vùng sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm…

Từ mô hình sản xuất nông nghiệp CNC của Công ty TNHH Dịch vụ thương mại nông nghiệp CNC Thiên trường 36 cho thấy xu hướng chuyển đổi từ nền nông nghiệp sử dụng hóa chất sang nền nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu. Nhằm tạo ra nông sản an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại lợi ích đối với sức khỏe con người, góp phần cải tạo, bảo vệ  môi trường và phát triển bền vững nền kinh tế… Ðây là chủ trương lớn, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng, miền và địa phương trên cả nước.

Phương Thúy