NỖ LỰC KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ LÀM KẸO LẠC TRUYỀN THỐNG XUÂN YÊN (THỌ XUÂN)

Đã từ rất lâu, nghề làm kẹo lạc tại xã Xuân Yên (nay là xã Phú Xuân) đã không biết có từ bao giờ. Trải qua bao thăng trầm, nghề làm kẹo lạc đến nay đã dần bị mai một, thay để bởi những nghành nghề khác chạy theo xu hướng của thị trường. Chất lượng kẹo lạc Xuân Yên cũng không hề thua kém bất kỳ sản phẩm của những làng sản xuất kẹo lạc nổi tiếng trong cả nước lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cách đây khoảng 30 năm, chất lượng kẹo dần đi xuống do người làm bớt nguyên liệu thay thế bằng những chất phụ giá khác. Kể từ đó, thị trường dần bị thu hẹp, khách hàng cũng dần dời xa thương hiệu kẹo lạc Xuân Yên từ đó. Dần dần, việc sản xuất bị thu hẹp, các hộ sản xuất dần bỏ nghề để chuyển sang nghề khác. Thế rồi, nghề sản xuất kẹo lạc truyền thống ở đây đến giai đoạn không còn một hộ nào sản xuất theo hướng thương mại. Chỉ còn một số người sản xuất nhỏ lẻ để phục vụ trong dịp tết của gia đình.

Anh Dương Văn Giang xuất thân trong gia đình có truyền thống làm kẹo lạc Xuân Yên, đã thấy được tình cảnh làng nghề truyền thống của địa phương dần bị mai một và có nguy cơ biến mất hoàn toàn. Anh Giang đã quyết tâm phải gìn giữ và phát triển bằng được nghề làm kẹo lạc Xuân Yên. Nghĩ là làm, đầu năm 2013, anh quyết định nghỉ việc làm quản lý tại nhà hàng Dạ Lan tại TP Thanh Hóa với mức lương khá cao rất nhiều người mơ ước để trở về quê hương khởi nghiệp với nghề làm kẹo lạc truyền thống, thương hiệu kẹo lạc Đức Giang ra đời từ đó. Anh tâm sự, thực ra trước đó rất lâu, từ những ngày còn làm việc ngoài Hà Nội, anh đã trăn trở rất nhiều suy nghĩ cách làm sao để khôi phục lại và phát triển thương hiệu kẹo lạc quê hương. Nhưng tại thời điểm đó, anh mở nhà hàng kinh doanh tại Hà Nội thất bại khiến anh nợ một khoản lớn và phải tạm gác ước mơ sang một bên để tìm cách trả hết nợ. Sau đó, anh trở về Thanh Hóa và làm việc tại Dạ Lan 5 năm và đã trả hết nợ anh lập tức xin nghỉ việc và về quê mở xưởng xản xuất kẹo lạc ngay tại nhà. Tuy nhiên, kẹo sản xuất ra với chất lượng chỉ ở mức trung bình nên chưa hấp dẫn khách hàng. Trăn trở, Giang tìm đến nhiều người lớn tuổi trong xã từng sản xuất kẹo trước kia để gặng hỏi thêm những kinh nghiệm. Đồng thời, bỏ tiền ra tận các làng sản xuất của các hãng kẹo lạc nổi tiếng ở miền Bắc, như kẹo lạc Sìu Châu (Nam Định), kẹo lạc Làng Nguyễn ở tỉnh Thái Bình và làng nghề sản xuất kẹo lạc ở tỉnh Hải Dương. Tìm hiểu những bí quyết của những nơi sản xuất kẹo lạc nổi tiếng nhất, cộng với kinh nghiệm học tập, anh Giang đã đúc kết ra phương cách sản xuất đặc trưng của riêng mình.

Anh Dương Văn Giang cho biết: Với số vốn đầu tư ban đầu hơn 500 triệu đồng được vay mượn từ người thân, đến nay, mỗi năm, cơ sở kẹo lạc mang lại nguồn thu hơn 1 tỷ đồng. Kinh doanh với hình thức lấy ngắn nuôi dài, số tiền lãi anh dùng để đầu tư máy cán kẹo, máy rang lạc, đóng gói… để cho ra thành phẩm bắt mắt, năng suất gấp 1,5 lần, có hạn sử dụng lâu hơn. Anh cũng sản xuất đa dạng chủng loại hàng hóa hơn như: kẹo dồi, kẹo gạo lức, kẹo lạc đường…Để có nguyên liệu cho sản xuất kẹo gia đình anh đã tìm mua lạc và vừng từ các xã lân cận của huyện Ngọc Lặc để dự trữ sản xuất vào những thời điểm cao điểm như tết nguyên đán cơ sở của anh phải tăng tốc sản xuất gấp nhiều lần ngày thường. Bình quân mỗi ngày cơ sở sản xuất được 100-200 kg kẹo lạc. Hiện nay, cơ sở sản xuất kẹo lạc sìu Đức Giang tạo việc làm cho 4 đến 6 lao động thường xuyên, với thu nhập ổn định từ 5 triệu đồng/người/tháng. Có những thời điểm cuối năm anh phải huy động tối đa nhân lực nhưng cũng không đáp ứng hết được những đơn đặt hàng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các siêu thị, qua thương lái và các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong những năm gần đây kẹo lạc Đức Giang đã được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như: Nga, Lào…và những gói kẹo lạc không biết từ khi nào đã trở thành những món quà quê theo chân du khách đi khắp thế giới.

Những tháng cuối năm 2019, huyện Thọ Xuân và Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh đã chọn kẹo lạc Đức Giang (xâ Xuân Yên) là một trong những sản phẩm OCOP 3 sao – Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng nông thôn mới. Đây sẽ là cơ hội mới để nghề sản xuất kẹo lạc ở đây bứt phá, bởi khi đã trở thành sản phẩm OCOP, sẽ được tỉnh, huyện hỗ trợ quảng bá, phát triển thị trường cũng như nhiều điều kiện thuận lợi sản xuất khác. Tuy nhiên, vào đầu năm 2020, khi đã có thương hiệu, có thị trường, kẹo lạc Đức Giang cùng nhiều nghành nghề khác một lần nữa rơi vào tỉnh cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid – 19 bùng phát khiến thị trường tiêu thụ ngừng trệ. Các đơn đặt hàng thưa dần và tính đến tháng 5/2021 gần như cơ sở kẹo lạc Đức giang đã không còn nhận được đơn đặt hàng khiến cơ sở rơi vào tình trạng ngừng hoạt động vô thời hạn. Cơ sở tạm thời đóng cửa khiến anh Giang và nhiều hộ làm kẹo lạc tại Xuân Yên rơi vào tình cảnh khó khăn khi nợ lãi ngân hàng vay đầu tư sản xuất vẫn phải trả nhưng hàng làm ra lại không tiêu thụ được.

Một lần nữa, để vực dậy và phát triển thương hiệu kẹo lạc Xuân Yên cần sự chung tay góp sức của các cấp chính quyền trước khó khăn của các hộ sản xuất do dịch covid – 19. Cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa để những nghành nghề truyền thống của địa phương không bị mai một và có nguy cơ biến mất hoàn toàn.

Mạnh Tùng.