Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn huyện Nông Cống mang lại hiệu quả kinh tế

 

Nông Cống là huyện có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) với tổng diện tích NTTS là 960,2ha. Bao gồm: NTTS nước lợ là 262,3 ha và NTTS nước ngọt 697,9ha…. với các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, cá nước lợ…

Để tích cực hỗ trợ cho các hộ gia đình phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, UBND huyện Nông Cống đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản; mở các lớp tập huấn khuyến nông – khuyến ngư, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho nông dân, đồng thời chỉ đạo phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, trạm khuyến nông tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật, tổ chức tham quan mô hình tiên tiến về nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao cho các trang trại đi tham quan học hỏi kinh nghiệm,…

Từ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tạo động lực cho các hộ dân thuê đất, cải tạo đồng ruộng để mở rộng diện tích NTTS đồng thời đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay toàn huyện đã có 5 trang trại NTTS được hình thành và bước đầu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất với tổng diện tích 75,54 ha chiếm 32,8% diện tích NTTS nước lợ toàn huyện. Trong đó, đối tượng nuôi trồng chính là tôm thẻ chân trắng và một số loài thủy sản phụ như cua, cá,…; Các mô hình sản xuất thủy sản ứng dụng khoa học kỹ thuật tiếp tục được triển khai và nhân rộng, tiêu biểu phải kể đến là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao ở 3 xã: Trường Giang; Trường Trung; Tượng Văn với hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần nuôi truyền thống.

Là một trong những trang trại đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn huyện, trang trại của anh Lê Thiên Lâm tại thôn Đông Hòa xã Trường Giang có 21ha NTTS, trong đó có 1ha được anh đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao theo hình thức nuôi 2 giai đoạn ít thay nước. Bao gồm: Giai đoạn ương nuôi tôm giống (giai đoạn 1): tại ao ương tôm giống được thả với mật độ ương: 1.000 – 3.000 con/m3; Cỡ tôm ương: PL10 – 12; Thời gian ương: từ 20 – 25 ngày khi tôm giống đạt cỡ 1.000 – 2.000con/kg sẽ chuyển sang ao nuôi bắt đầu giai đoạn nuôi tôm thương phẩm (giai đoạn 2) với mật độ nuôi: 100 – 300 con/m3; Cỡ tôm giống: 1.000-2.000 con/kg;Thời gian nuôi: 65 – 80 ngày; Cỡ tôm thu hoạch: 40 – 60 con/kg.

Toàn bộ hệ thống ao được bố trí dưới dạng ao nổi, phủ bạt đáy và có mái che nhà lưới phía trên giúp điều hòa nhiệt độ, tránh nắng vào mùa hè, ngoài ra vào mùa đông nhiệt độ xuống thấp, ngoài hệ thống nhà lưới mái che anh Lâm còn phủ thêm bạt nilon, cách làm này có thể làm tăng nhiệt độ ao nuôi lên từ 3-50C so với môi trường, đảm bảo nhiệt độ ổn định cho ao nuôi giúp tôm khỏe trong mọi thời tiết.

Khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của gia đình được thiết kế gồm: hệ thống ao lắng thô (lấy nước từ mương cấp nước vào dự trữ); ao lắng tinh (xử lý nước bảo đảm hạn chế tối đa các mầm bệnh từ nguồn nước cấp); ao ương (vèo); ao nuôi; mương xả nước và ao chứa nước thải tại đây nước thải được xử lý bằng công nghệ vi sinh trước khi đưa ra môi trường. Ngoài ra, trang trại đã đầu tư mua sắm, lắp đặt hệ thống thiết bị như: máy cho ăn tự động, quạt nước, máy thổi cung cấp khí đáy ao đảm bảo lượng ôxy hòa tan trong nước luôn duy trì >4 mg/l; thiết bị kiểm tra chất lượng nước, máy phát điện, máy bơm….nhằm đảm bảo môi trường tốt nhất cho tôm sinh trưởng và phát triển.

Theo anh Lâm, nhờ ứng dụng CNC trong nuôi tôm thẻ chân trắng nên trang trại của gia đình anh có thể sản xuất được 4 vụ/năm thay vì 2 vụ như trước đây. Ngoài ra nuôi theo phương thức trên còn khắc phục được hầu hết các yếu điểm của nuôi truyền thống: hạn chế sự ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, kiểm soát được chất lượng nước, kiểm soát được chất lượng con giống từ ao ương trước khi san sang ao nuôi, xác định được chính xác khối lượng tôm nuôi để định lượng thức ăn phù hợp, tránh tình trạng dư thừa thức ăn, giảm lượng chất thải xả ra môi trường ….nhờ đó tiết kiệm chi phí thức ăn, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn từ 3-4 lần.

Không chỉ có hiệu quả về mặt kinh tế, theo anh Lâm quá trình nuôi tôm hai giai đoạn mà anh đang áp dụng không sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học; không phải thay nước hoặc thay nước rất ít, chỉ châm bù nước nhờ vậy mà tài nguyên nước được tiết kiệm, hạn chế xả thải ra môi trường đồng thời con tôm cũng được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay mỗi năm trang trại của anh Lâm sản xuất 4 vụ tôm với năng suất 25-30 tấn/ha. Sau hơn 3 tháng nuôi, tôm thẻ chân trắng đạt trọng lượng từ 40-60 con/kg. Giá thương lái thu mua hiện nay từ 120-130 ngàn đồng/kg tôm, trừ chi phí mỗi năm lợi nhuận của gia đình anh đạt khoảng 400 -500 triệu đồng. Ngoài ra trang trại cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động là con em nông dân trong vùng, với mức thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ về kế hoạch phát triển vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới, anh Lâm cho biết để đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cần một nguồn vốn rất lớn nên nếu được chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện thuê đất lâu dài gia đình anh sẽ yên tâm tiếp tục đầu tư cải tạo chuyển đổi dần 7ha đang NTTS theo hình thức bán thâm canh sang ứng dụng công nghệ cao.

Mặc dù diện tích ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm thẻ chân trắng của trang trại chưa lớn nhưng với những hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường mà mô hình mang lại, anh Lê Thiên Lâm đã trở thành tấm gương sáng cho tinh thần tự học tập, tìm hiểu để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế gia đình và làm giàu cho quê hương được nhiều chủ trang trại trong và ngoài vùng tìm đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm.

Thực tế trong những năm trở lại đây, với sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh và sự ô nhiễm từ nguồn nước,…thì việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất được coi như một giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu và ngăn ngừa rủi ro cho người nông dân, từng bước tạo đà cho sự phát triển của nghề NTTS địa phương phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân.

Hồ Lý