Mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ kết hợp với nuôi rươi đem lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương

Mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ kết hợp với nuôi rươi đem lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương

          Thôn Ngọc Bình, xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương là một vùng quê thuần nông bao đời nay với nghề chính là trồng lúa và cói. Với lợi thế địa lý là nằm gần dòng sông Yên hiền hoà, phù sa vun đắp hàng năm nên mỗi dịp tháng 9, tháng 10 âm lịch, người dân nơi đây lại nô nức kéo nhau đi thu hoạch con rươi tự nhiên. Con rươi (dân gian còn gọi là rồng đất) là loài nhuyễn thể thuộc họ rươi, môi trường sinh sống thường ở nước mặn hoặc nước lợ, Đây là loại thuỷ sản tự nhiên và khá khó nuôi trồng, chỉ thường xuất hiện một vài tháng trong năm ở một số nơi như: Hải Dương, Hải Phòng…Ở Thanh Hoá, con rươi chỉ có ở một số huyện ven biển như: Quảng Xương, Hậu Lộc, Nga Sơn, Nghi Sơn,… Con rươi có giá trị dinh dưỡng cao và là món ăn ưa thích của nhiều người, chính vì vậy rươi luôn là sản phẩm thuỷ sản tự nhiên có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường về sản phẩm lại tương đối lớn nên nguồn rươi cung cấp ra không đáp ứng đủ cầu cho thị trường tiêu thụ.

Rươi là loài thuỷ sản hoàn toàn tự nhiên có giá trị dinh dưỡng cao.

          Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do nhu cầu lớn của thị trường khiến người dân khai thác tận diệt, cùng với môi trường sống của loài rươi đang ngày càng bị phá huỷ nghiêm trọng bởi việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón hoá học, thuốc trừ sâu tràn lan khiến loài rươi ở xã Quảng Phúc đang dần cạn kiệt, có nguy cơ biến mất khỏi địa phương. Trước thực trạng đáng báo động đó, năm 2022, Trung tâm khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Xương cùng với các hộ dân thôn Ngọc Bình, xã Quảng Phúc thực hiện mô hình: Trồng lúa kết hợp với nuôi rươi theo hướng hữu cơ. Mô hình được triển khai với hơn 30 hộ dân tham gia trên diện tích 3,2ha chuyên canh trồng lúa. Các hộ dân khi tham gia mô hình sẽ nhận được hỗ trợ toàn bộ giống rươi, giống lúa, vật tư phân bón các loại và được cán bộ kỹ thuật chỉ đạo, hướng dẫn từ khi gieo cấy đến khi thu hoạch. Trong sản xuất lúa, các hộ dân tuyệt đối sẽ không sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học mà sẽ sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh ADI và thuốc BVTV sinh học, thức ăn cho rươi cũng sử dụng cám gia cầm trộn với cám gạo tự nhiên. Thay đổi phương thức sản xuất lâu nay từ dùng phân hoá học sang hữu cơ sẽ giúp các vi sinh vật phát triển, từ đó cải thiện và phát triển môi trường sống lý tưởng cho loài rươi. Hàm lượng dinh dưỡng trong đất tăng lên và nguồn thiên địch trên đồng ruộng cũng được duy trì và bảo vệ tốt, đây cũng là môi trường sống lý tưởng cho con rươi sinh trưởng và phát triển. Thực tế đã cho thấy, khi kết hợp nuôi rươi và trồng lúa sẽ bổ trợ lẫn nhau, rươi sẽ xử lý được các chất thải hữu cơ trong đất, nước, tạo ra phân bón giúp cây lúa khỏe mạnh chống lại với sâu bệnh, chính vì thế khi trồng lúa không cần sử dụng đến thuốc trừ sâu. Từ đó, tạo ra sản phẩm lúa gạo hữu cơ có hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Ngược lại, việc cải tạo đất, chăm sóc và quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa đã tạo ra nơi ở lý tưởng cũng như nguồn thức ăn dồi dào cho loài rươi phát triển khoẻ mạnh và năng suất cao.

Mô hình sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ tại xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương.

          Kết quả bước đầu mô hình cho thấy, năng suất lúa của mô hình ước đạt 3 – 3,5  tấn/ha, năng suất rươi đạt 250 kg/ha sau khi đã trừ đi các khoản chi phí đầu tư cho thấy mô hình khi áp dụng đồng bộ phương thức canh tác mới kết hợp với nuôi rươi  đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 20 – 30 lần so với trồng lúa bằng phương pháp truyền thống. Lúa hữu cơ cũng được thu mua với giá cao hơn khá nhiều từ: 15 – 20 nghìn đồng/kg (gấp đôi so với lúa thường) sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận thu về từ việc bán lúa hữu cơ đạt trên 10 triệu đồng/ha. So với phương thức truyền thống thì hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 15%. Ngoài thu nhập từ lúa thì thu nhập từ bán rươi mới là chủ đạo của mô hình, với nhu cầu về rươi rất lớn như hiện nay mà nguồn cung lại vô cùng nhỏ khiến cho giá rươi bình quân có thể đạt từ 500 – 550 nghìn đồng/Kg, thu nhập từ rươi ước tính đạt từ 125 – 140 triệu đồng/ha. Hiệu quả bước đầu của mô hình cho thấy nếu được nhân rộng và được triển khai trên diện tích lớn và làm tập trung thì có thể đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn nữa. Ông Nguyễn Văn Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc cho biết: Con rươi thu hoạch trên đồng đất của địa phương có đặc điểm là thịt chắc, đỏ và vị đậm ngon ngọt hơn so với các vùng khác trong tỉnh nên bán được giá. Khi áp dụng mô hình này, sẽ tạo điều kiện sống phát triển tốt cho con rươi, tạo được nguồn thu nhập thêm cho bà con nông dân quanh năm chỉ trông chờ vào hai vụ lúa. Ngoài ra, lúa gạo thu hoạch từ mô hình là lúa hữu cơ nên khi ăn cũng đậm vị hơn và an toàn cho sức khoẻ người sử dụng và hơn hết là sản phẩm đang rất được ưa chuộng trên thị trường và là xu thế chung hướng đến các sản phẩm hữu cơ nên giá bán cũng cao hơn các loại lúa thông thường. Có thể nói, hiệu quả kinh tế từ mô hình sẽ là động lực để bà con nông dân mở rộng diện tích nuôi trồng trong những vụ tiếp theo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai mô hình cũng gặp phải một số khó khăn nhất định ví dụ như: có thời điểm thời tiết xấu, rét đậm kết hợp với sương muối khiến lúa chết dày. Khó khăn nữa là việc nuôi rươi trong ruộng lúa không thể sử dụng nước thuỷ lợi trong kênh mương nội đồng vì lo ngại dư lượng thuốc trừ sâu, BVTV cao sẽ ảnh hưởng đến chất lượng lúa và phá huỷ môi trường sống của rươi, vì vậy nguồn nước sử dụng để triển khai mô hình được lấy hoàn toàn từ nước sông Yên lên theo thuỷ triều con nước nên khá khó khăn trong việc đưa nước vào đồng ruộng. Như vậy, có thể thấy để việc trồng lúa kết hợp nuôi rươi được đạt được hiệu quả cao nhất rất cần sự chung tay góp sức của bà con nông dân cùng nhau nâng cao nhận thức về cách thức sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV một cách bền vững và an toàn với môi trường. Khuyến cáo bà con nông dân không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hoá học một cách bừa bãi, nên sử dụng theo khuyến cáo của các cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp để có thể bảo vệ được môi trường sống của loài rươi từ đó có thể chủ động sử dụng chung nguồn nước kênh mương nội đồng để trồng lúa kết hợp nuôi rươi, không phải phụ thuộc vào nguồn nước sông Yên.

Mô hình đã được người dân và các cấp chính quyền công nhận. Thành công từ mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ kết hợp với nuôi rươi tại xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương đã giúp người dân nơi đây dần thay đổi nhận thức về cách thức sản xuất lâu nay từ  sử dụng thuốc BVTV, phân bón có nguồn gốc hoá học sang sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học để tạo được môi trường phát triển cho rươi, từ đó cân bằng được hệ sinh thái và đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Mạnh Tùng