Nghề nuôi dúi cho hiệu quả kinh tế ở xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn 

Ông Lê Trọng Lệ thôn 2, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn sinh ra trong một gia đình thuần nông, mặc dù luôn cố gắng phát triển trồng trọt, chăn nuôi nhưng kinh tế gia đình vẫn khó khăn. Năm 2007, Ông quyết định rời quê hương đi làm công nhân công trình thủy điện ở các huyện miền núi và thường được ăn thịt dúi. Đây là món ăn ngon nhưng ít người biết đến. Cũng từ đây Ông đã nảy ra ý định về quê chăn nuôi dúi.

                    Ông Lê Trọng Lệ thôn 2, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn

Năm 2009, Ông Lệ bắt đầu nuôi dúi, từ 3 cặp giống ban đầu sau 1 năm đã bắt đầu sinh sản, cứ thế sau 3 năm đàn dúi vẫn phát triển tốt và sinh sản đều. Lúc này, dúi đã thích nghi với điều kiện nuôi nhốt nên Ông bắt đầu xây dựng chuồng trại, thực hiện mô hình nuôi dúi thương phẩm. Dúi vốn là con vật gặm nhấm, ưa đào hoang nên chuồng dúi Ông chỉ xây cao 80 cm, nền lát xi măng, kích thước mỗi ô nuôi khoảng 1m2 để dúi mẹ sinh sản.

Theo ông Lệ, so với các vật nuôi khác thì dúi rất ít bệnh, dễ chăm sóc, sức đề kháng tốt. Khâu chăm sóc dúi nên thường xuyên dọn dẹp, chu kỳ 15-20 ngày vệ sinh 1 lần để đảm bảo sự khô ráo, thông thoáng, đồng thời cần tránh việc để dúi ăn thức ăn đã hỏng, khi đó dúi mới phát triển khỏe mạnh. Mùa hè nắng nóng, phải có hệ thống phun sương làm mát cho dúi, mùa đông thì đảm bảo chuồng trại kín gió. Khi dúi sinh sản được khoảng 2 tháng, tiến hành tách mẹ và nuôi ở chuồng riêng biệt, số lượng mỗi chuồng khoảng 3-5 con.  Thức ăn chính của dúi gồm: Tre, trúc, hạt ngô, thân mía, cây sắn, cỏ voi, xương trâu, bò,.. mỗi ngày chỉ cho ăn một lần vào chiều tối. Theo kinh nghiệm, không nên cho dúi ăn quá nhiều khiến con vật tích lũy quá nhiều mỡ.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm nuôi dúi, Ông cho rằng: Tuy dúi là loài dễ nuôi, nhưng nếu không hiểu rõ được tập tính của chúng thì rất dễ thất bại. Ban đầu mới nuôi thường khá bỡ ngỡ, dúi phát triển kém và khả năng sinh sản thấp. Sau khi tìm hiểu và học hỏi thêm về cách chăm sóc, phòng bệnh cho dúi, thì việc nuôi chúng là khá dễ dàng. Nuôi dúi cần chú ý đến dúi cái, ví dụ như thời kỳ sinh sản, nếu không cung cấp thức ăn giàu canxi như xương lợn, xương bò…cho chúng thì sẽ xảy ra việc dúi mẹ sẽ ăn thịt dúi con. Hay việc, khi nuôi dúi được 7 tháng, đó là thời điểm dúi phát dục, cần ghép đôi để chúng giao phối, nên người nuôi cần chú ý quan sát và lựa chọn bạn đời phù hợp, sao cho hai cá thể không xảy ra xung đột. “Về kỹ thuật chuồng trại thì chuồng dúi không tốn nhiều diện tích, 100m² có thể làm được từ 100 đến 120 chuồng, mỗi chuông nuôi nhốt 3-5 con. Chuồng nuôi phải đổ bê tông, theo kích thước hình vuông, tối thiểu phải đạt 50cm và phải đảm bảo kín gió, không bị ánh sáng chiếu trực tiếp và bố trí chuồng ở nơi yên tĩnh”.

Tới nay, sau gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi dúi, Ông Lệ đã xây dựng được gia trại nuôi dúi có diện tích trên 240 m2 với 800 con; trong đó, có 300 con dúi sinh sản. Hiện một cặp dúi được anh bán 1,6 triệu đồng; thu nhập bình quân của gia đình Ông đạt 500 triệu/năm; cơ sở chăn nuôi của Ông đã được nhiều người biết đến, nhiều tiểu thương ở các tỉnh khác đã về mua như Hà Nội; Ninh Bình; Nghệ An; Hải Dương… Không chỉ gia đình Ông Lệ, còn nhiều hộ khác trong xã cũng đã thoát nghèo nhờ nuôi dúi, điển hình như gia đình anh Cao Bá Minh, thôn 6, xã Vân Sơn đang nuôi 25 cặp dúi, thu lãi 130 triệu đồng/năm. Gia trại chăn nuôi dúi của gia đình ông Lê Văn Sơn cũng đang cho thu nhập 80 triệu/năm. Ngoài ra, còn có 30 hộ dân khác trong xã cũng đang thực hiện theo mô hình nuôi dúi để tiến tới thoát nghèo.

Ông Lệ cho biết, sắp tới ông sẽ xây dựng các trang trại đúng chuẩn, tạo môi trường chăn thả dúi như ngoài tự nhiên giúp dúi phát triển nhanh và mang lại hiệu quả cao hơn. Ngoài ra sẽ xúc tiến thành lập HTX nuôi dúi, xây dựng thương hiệu, tạo chuỗi liên kết sản xuất, khắc phục tình trạng chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay hướng tới phát triển theo hướng bền vững.

Để tiếp tục giúp nông dân thực hiện mô hình nuôi con dúi, Hội Nông dân xã đã tăng cường khai thác các nguồn vốn từ tín chấp, ủy thác và hỗ trợ nông dân để bà con vay vốn phát triển kinh tế. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hội viên, nông dân và tổ chức cho các hộ chăn nuôi dúi tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm, trao đổi hàng hóa với nhiều địa phương, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo.

                                                                                                                 Văn Lộc