Thực trạng liên kết sản xuất cây dược liệu ở Thanh Hóa

Thanh Hóa là tỉnh có tiềm năng về phát triển các loài cây dược liệu,từng bước hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Toàn tỉnh năm 2020  hiện có khoảng 3.000 ha dược liệu và 94.550 ha cây dược liệu dưới tán rừng với gần 1.000 loài cây dược liệu tập chung chủ yếu ở các huyện như: Huyện Triệu sơn, huyện Thọ Xuân, huyện Vĩnh Lộc, huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa, huyện Hà Trung, huyện Tĩnh Gia, huyện Thạch Thành, huyện Quan Sơn, huyện Thường Xuân, huyện Lang Chánh…

Vùng nguyên liệu cà gai leo tại xã Hà Tiến

Trong đó, về khoa học công nghệ đã bão tồn và phát triển gen của các loài cây dược liệu quý như: Lan gấm, Giảo cổ lam, Hà thủ ô, Đẳng sâm, khôi tía, cà gai leo, cỏ ngọt….; về sản xuất nông nghiệp phát triển các cây dược liệu quý, hiếm như: Cây ba lá một hoa, Ngài đen, Thủ phục linh, Sâm báo, Ba kích, đinh lăng, củ mài, hòe, hương nhu trắng, quế, hy thiêm, nghệ vàng, cà gai leo, hà thủ ô, sa nhân, giảo cổ lam, ích mẫu, mã tiền, bạc hà… ngoài ra tỉnh còn trồng thử nghiệm và phát triển một số cây dược liệu gỗ lớn như: Thiên ngân, đổi ăn hạt…

Với định hướng phát triển bền vững, tỉnh Thanh Hóa cũng đã thu hút các doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất như: Công tyTNHH Đầu tư và Phát triển Sen Nhật liên kết bao tiêu sản phẩm với mô hình Sen Nhật – Nuôi cá và Công ty CP Dược liệu Phú xuân đầu tư dự án bảo tồn gen và dược liệu-nuôi trồng nông lâm ngư nghiệp và sản xuất hàng hóa theo công nghệ cao kết hợp tham quan du lịch tại huyện Thọ Xuân;Công ty TNHH Thương mại du lịch Út Phương tại huyện Triện Sơn liên kết trồng cây cà gai leo, sachi, nghệ;Công ty TNHH Tuệ Linh liên kết trồng cây giảo cổ lam tại huyện Đông Sơn; Công ty CP Dược phẩm Đỗ Phát liên kết trồng cà gai leo, đinh lăng tại huyện Tĩnh Gia; Công ty CP Nghệ Việt liên kết trồng nghệ tại huyện Thạch Thành; Công ty TNHH Hoàng Thảo Mộc (TP Thanh Hóa) đã liên kết với một số hộ dân trên địa bàn 2 huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy trồng cà gai leo; Công ty CP Triệu Sơn (Triso Group) liên kết trồng cây sâm Báo tại huyện Vĩnh Lộc; Công ty Trí Việt đầu tư mở rộng diện tích trồng cây sâm Bố Chính trên địa bàn huyện Như Xuân; liên kết sản xuất cây dược liệu của  Công ty CP đầu tư và Phát triển Dược liệu Hàm Rồng tại huyện Hoằng Hóa; Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thuốc y học cổ truyền Bà Giằng Thanh Hóa đầu tư, chuyển giao công nghệ trồng, sơ chế và bao tiêu sản phẩm dược liệu tại huyện Quan Sơn…

Thị trường tiêu thụ chủ yếu của các doanh nghiệp đang phân phối tại trên 90 siêu thị lớn và các nhà thuốc… ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, diện tích và sản lượng vùng dược liệu được bao tiêu sản xuất, chế biến, tiêu thụ so với tiềm năng của tỉnh vẫn còn thấp, chủ yếu tập trung với diện tích cây dược liệu tập trung. Hàng năm, tỉnh Thanh Hóa sản lượng đạt khoảng 49.000tấn, giá trị kinh tế đạt 392 tỷ đồng, thu nhập cho người dân bình quân từ 150 – 200 triệu đồng/ha.

Điển hình như Công ty TNHH Hoàng Thảo Mộc đã liên kết với một số hộ dân trên địa bàn huyện Thạch Thành trồng loại cây này. Sau một thời gian, thấy cây phát triển đạt chất lượng tốt, công ty đã mở rộng được vùng trồng cà gai leo lên 40 ha tại 2 huyện Thạch Thành và Cẩm Thủy. Trong đó, công ty ký kết hợp đồng với các hộ chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc dược liệu bằng phương pháp hữu cơ nhằm tạo ra nguyên liệu sạch phục vụ chế biến, đồng thời, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.

Vùng dược liệu của Công ty TNHH Hoàng Thảo Mộc tại huyện Thạch Thành

Sản phẩm trà Hoàng Thảo Mộc của công ty đã được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa năm 2020 và đang phân phối tại 90 siêu thị lớn, 40 tỉnh, thành trong nước với sản lượng thành phẩm bình quân từ 80 – 100 tấn/năm. Theo đánh giá của đơn vị này, thành phẩm sau chế biến có giá trị gấp từ 5 – 10 lần so với xuất bán sản phẩm thô, mang lại thu nhập cao cho người dân thu nhập bình quân từ 150 – 200 triệu đồng/ha.

Để phát triển cây dược liệu trở thành ngành sản xuất hàng hóa, hiện nay, các địa phương đang tích cực hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác sản xuất cây dược liệu tổ chức lại sản xuất, thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoạt động trong lĩnh vực hóa dược để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất theo tiêu chuẩn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, bảo đảm các điều kiện để cây dược liệu phát triển bền vững nhất. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở các lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật trồng cây dược liệu cho bà con nông dân.

 

Lê Quyền