Phát triển làng nghề bánh đa truyền thống tại xã Tân Châu, huyện Thiệu Hoá

      Phát triển làng nghề bánh đa truyền thống tại xã Tân Châu, huyện Thiệu Hoá

Làng nghề làm bánh đa truyền thống làng Chòm nay là làng Đắc Châu, xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa từ bao đời đã vang tiếng xa gần, là nghề truyền thống của người dân nơi đây. Nếu ai đã một lần ăn bánh của vùng đất này, hẳn sẽ không bao giờ nhầm lẫn với bánh đa của những miền quê khác. Trải  qua nhiều biến cố và thăng trầm, nghề làm bánh đa truyền thống ở làng Đắc Châu đã có hơn 100 năm tuổi. Bánh đa làng Đắc Châu gắn liền với câu chuyện lịch sử mà được các cụ cao niên trong làng kể lại: Bánh đa, trước đây còn gọi là bánh tráng, khoảng giữa thế kỷ 17, Chúa Trịnh Tráng ra lệnh phải đổi tên tất cả những sản phẩm có tên tráng vì phạm vào tên Chúa, vì vậy tên gọi bánh tráng trước đây đã được thay bằng “bánh đa” cho đến bây giờ.

Trước đây, nghề làm bánh đa trước chỉ là 1 nghề phụ, nên nghề làm bánh đa làng Đắc Châu chỉ chiếm 1/4 số hộ trong làng, bánh làm ra chủ yếu tiêu thụ trong huyện. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền nên dần dần nghề làm bánh đa được xem như nghề có thu nhập và là nghề chính của người làng Đắc Châu. Hiện nay, toàn xã Tân Châu có khoảng 240 hộ làm bánh đa, với 1.000 lao động. Theo anh Nguyễn Trọng Quang, công việc tráng bánh mỗi ngày bắt đầu từ 3 giờ sáng và thường kết thúc vào 12 giờ trưa để kịp phơi bánh. Trung bình mỗi hộ gia đình sản xuất khoảng 1.000 – 1.500 chiếc/ngày. Giá bán từ 5.000 – 10.000 đồng/chiếc. Thu nhập bình quân cho một lao động 400.000 – 500.000 đồng/ngày.

Để tạo nên chiếc bánh đa làng Đắc Châu ngon, đòi hỏi người làm bánh phải có kinh nghiệm từ khâu chọn nguyên liệu đến công đoạn tráng bánh. Nguyên liệu làm bánh đa gồm có: gạo, vừng, tinh bột sắn, muối, gấc và đường. Gạo để làm bánh đa chủ yếu là gạo ít dẻo, gạo được vo kỹ, ngâm nước 30 phút rồi xay sau đó trộn đều các nguyên liệu với muối, gấc, đường. Vừng làm bánh được chọn kỹ, hạt căng và mẩy, phơi kỹ lưỡng và được làm sạch. Công đoạn đưa bột gạo vào nồi tráng thành bánh cũng là công đoạn vô cùng quan trọng. Bột phải được dàn đều để bánh có độ dày vừa phải. Bánh đa làng Đắc Châu luôn chứa đựng sự tinh tế của người làm bánh, dưới đôi bàn tay khéo léo của người làm bánh, bánh được tráng đều, được đặt lên trành làm bằng tre, nứa rồi đem ra phơi khô. Trành tre, nứa phải được uốn vừa độ để đảm bảo tạo lên nét riêng cong cong của chiếc bánh đa Đắc Châu góp phần cho bánh giòn và ngon hơn.

Nghề làm bánh cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thông thường họ sẽ xem những ngày nắng đẹp để làm bánh đa. Bánh phơi trời nắng khoảng 4 đến 5 giờ, trời âm u phơi từ 7 đến 8 giờ và không được phơi quá nắng để tránh bị khô, giòn và dễ vỡ.

Nghề làm bánh đa ở làng Đắc Châu, xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã có truyền thống hơn 100 tuổi.

Những năm gần đây, khi công nghệ sấy bánh được áp dụng vào những ngày thời tiết k được thuận lợi, tuy nhiên, người dân vẫn ưu tiên phơi bánh dưới nắng tự nhiên. Bánh đa thành phẩm được mang phơi trên giá làm từ tre đan thủ công, ở làng này mọi không gian đều được ưu tiên cho việc phơi bánh. Ngày nắng đẹp, đứng từ trên cao nhìn xuống làng Đắc Châu sẽ thấy bạt ngàn những vòng tròn.

Ngày nay, khâu nướng bánh được rất nhiều hộ gia đình sử dụng lò nướng điện thay thế cho việc nướng bánh bằng than truyền thống. Lò nướng điện ít gây ảnh hưởng đến môi trường và giảm công sức lao động, bánh được chín đều, giòn hơn nướng truyền thống.

Hình ảnh bánh đa Đắc Châu đang phơi nắng.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ bánh đa Đắc Châu đã phát triển ra các tỉnh trong cả nước. Nghề làm bánh đa truyền thống Đắc Châu đã đăng ký và được chứng nhận thành công sản phẩm OCOP 3 sao cho 02 hộ gia đình là bánh đa Quang Thu và bánh đa Ngọc Nhạn.

Sản phẩm bánh đa được chứng nhận OCOP 3 sao

Nghề làm bánh đa của làng Đắc Châu, xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa là nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động của người dân nơi đây. Từ nghề truyền thống đó, đưa các hộ gia đình trong xã có điều kiện kinh tế khá giả, góp phần vào phát triển kinh tế chung của toàn huyện Thiệu Hóa./.

Văn Lộc