Phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững tại huyện Cẩm Thủy

Thực hiện kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 23/03/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc cơ cấu lại nghành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018 – 2020, huyện Cẩm Thủy đã và đang tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đưa các loại cây, con có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, từng bước nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Ngoài ra để phát triển bền vững nghành nông nghiệp, huyện Cẩm Thủy đã tích cực kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Diện tích cỏ làm thức ăn chăn nuôi được trồng theo chuỗi liên kết sản xuất tại xã Cẩm Tâm.

Trước khi thực hiện tái cơ cấu, phát triển nghành nông nghiệp tại huyện Cẩm Thủy theo hướng chuỗi giá trị, người dân thường trồng các giống lúa, ngô, rau màu, cây ăn quả cho năng suất thấp nên thu nhập kém, các hộ lại trồng tự phát không có kế hoạch, không có đầu ra đảm bảo cho sản phẩm nên cuộc sống luôn vất vả quanh năm, cái đói cái nghèo vẫn đeo bám lấy người nông dân nơi đây. Thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp chung của tỉnh, UBND huyện Cẩm Thủy đã khuyến khích các hộ dân tập trung tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung theo hướng “cánh đồng mẫu lớn” có thể áp dụng được cơ giới hóa và các thành tựu khoa học kỹ thuật  vào sản xuất nông nghiệp. Ban hành nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất – tiêu thụ nông nghiệp của huyện. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện đã chuyển đổi được hơn 1300 ha đất lúa, đất đồi sản xuất kém hiệu quả sang trồng mía và các loại cây ăn quả, gần 1500 ha đất bãi ven sông sang trồng ngô ngọt, ngô cho thức ăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình cho chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản tại huyện Cẩm Thủy là mô hình liên kết sản xuất mía và bao tiêu sản phẩm với công ty Mía đường Lam Sơn (Thọ Xuân), công ty Mía đường Việt Nam – Đài Loan (Thạch Thành). Chuỗi liên kết sản xuất thức ăn chăn nuôi với Công ty TNHH MTV bò sữa Thống Nhất (Yên Định), Công ty TNHH TH True milk…Ngoài ra, mới đây trên địa bàn huyện còn hình thành được một số chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản mới đem lại hiệu quả kinh tế cao và có khả năng phát triển lan rộng như: mô hình liên kết trồng cây sả Java trên diện tích 10 ha tại xã Cẩm Tâm, mô hình liên kết sản xuất 30 ha dong riềng tại 2 xã Cẩm Bình và Cẩm Liên, sau khi trừ chi phí ước tính lợi nhuận thu về trên mỗi ha trồng dong riềng theo chuỗi đạt 60 – 80 triệu đồng/ha. Các sản phẩm làm ra đều được ký kết hợp đồng tiêu thụ với các cửa hàng thực phẩm an toàn trong và ngoài tỉnh và đều được người tiêu dùng ưa thích chọn lựa.

Trang trại chăn nuôi gà theo chuỗi liên kết của gia đình anh Trương Văn Thể, xã Cẩm Qúy mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài các chuỗi giá trị từ các cây trồng thì các chuỗi giá trị chăn nuôi tại Cẩm Thủy hiện nay cũng đang rất phát triển với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi. Đi đầu là xã Cẩm Tâm đã thành lập tổ liên kết chăn nuôi gà theo chuỗi với sự tham gia của 10 thành viên. Để có đầu ra ổn định, hội nông dân xã đã phối hợp, liên kết với công ty Happy Farm, Jappa…cung ứng và tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Khi tham gia vào tổ liên kết, các hộ được tập huấn, hướng dẫn lựa chọn con giống, chuyển giao kỹ thuật, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Giữa các thành viên trong tổ thường hỗ trợ nhau trong việc tiêm vắcxin phòng bệnh định kỳ. Mỗi lứa, nhóm cung ứng khoảng 40 tấn gà thương phẩm cho các công ty. Mỗi năm, các hộ sẽ bán 3 lứa gà, sau khi trừ chi phí mỗi hộ thu lãi từ 100 đến 120 triệu đồng. Điển hình có thể kể đến gia đình anh Trương Văn Thể, ở xã Cẩm Quý đã mạnh dạn vay vốn đầu tư 1,3 tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi gà theo chuỗi liên kết với Công ty Happy farm, quy mô 8.000 con/lứa. Trong quá trình xây dựng trang trại, gia đình anh được công ty hỗ trợ về kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chăm sóc, phòng bệnh cho gà. Sản phẩm gà được công ty bao tiêu theo giá thị trường, cam kết thu mua theo giá đã ký kết nếu trường hợp giá thị trường có thấp hơn. Đầu năm 2020, trang trại của gia đình anh đã xuất bán 3 lứa gà, với 54 tấn gà thịt, giá bán tại trang trại 53 nghìn đồng/kg, tổng doanh thu trên 2 tỷ 800 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, để phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững tại các huyện miền núi như Cẩm Thủy vẫn còn nhiều khó khăn như: Khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của người dân còn hạn chế do tài sản thế chấp của các hộ là không cao. Phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị theo hướng tập trung ở một số địa phương còn hạn chế, do gặp khó về khả năng tích tụ đất đai. Điều này cũng chính là rào cản khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đầu tư phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị quy mô lớn. Đồng thời, giá sản phẩm nông nghiệp cũng luôn bấp bênh biến động theo thị trường, trong khi đó chi phí đầu vào tăng cao, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến các hộ sản xuất chưa thực sự yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất.

Mạnh Tùng