THANH HOÁ NHIỀU TIỀM NĂNG XUẤT KHẨU CỦ QUẢ

Sản xuất rau quả xuất khẩu – hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo ở tỉnh Thanh Hoá.

Gần đây, nhiều loại cây có giá trị hàng hóa phục vụ chế biến, xuất khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường như ngô ngọt, cà chua, dưa bao tử,… được đưa vào sản xuất, thâm canh ở nhiều địa phương trong tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều đơn vị kinh tế trong lĩnh vực xuất khẩu rau quả đã trở thành bạn đồng hành đáng tin cậy của bà con nông dân. Cùng với việc cải tiến các quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ, các đơn vị chủ động xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, từng bước bảo đảm tốt an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thị trường xuất Khẩu rau quả sang các nước ngày càng tăng như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Australia, Pháp,… Trung Quốc, Mỹ và Australia là ba thị trường chính nhập khẩu rau quả lớn nhất cho Việt Nam, với giá trị nhập khẩu lần lượt là 240,9 triệu USD, giảm 31,5% so với cùng kì năm trước; 221,3 triệu USD, tăng 4,5% và 84,6 triệu USD, tăng 2,6%.

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 40.000 ha rau các loại, lợi nhuận bình quân ước đạt 35 đến 40 triệu đồng/ha/vụ (sản xuất 3 vụ/năm), cao gấp 2,5 đến 3,5 lần so với sản xuất lúa; toàn tỉnh đã hình thành được 90 vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn với diện tích 444,5 ha, trong đó có 174,7 ha đã được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Một số huyện như: Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Yên Định, Thiệu Hóa, Thạch Thành, Tĩnh Gia, Như Thanh,… đã ký kết hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu rau quả xuất khẩu tập trung cho các đơn vị kinh tế như: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Xuất khẩu Vạn Hoa – Hải Dương, Công ty Kim Ngưu (thuộc tập đoàn rau quả Quảng Tây – Trung Quốc),… Tuy nhiên, số diện tích trồng cây rau quả xuất khẩu đến nay vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng diện tích đất canh tác trên địa bàn toàn tỉnh. Ví như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa – một đơn vị đạt được khá nhiều thành công trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cũng chỉ ký hợp đồng trồng dưa bao tử, ớt xuất khẩu, cà chua bi trên diện tích từ 800 đến 1500 ha với các địa phương. Số còn lại là các công ty khác cũng chỉ phát triển được trên diện tích từ 500 đến 700 ha. Một số doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm cho người dân, như mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ hơn 1.000 ha khoai tây tại các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Thọ Xuân.

Theo chủ trương của tỉnh, sẽ giảm một số diện tích trồng lúa và các cây trồng khác năng suất kém hiệu quả sang trồng cây rau quả có giá trị cao nhưng đến nay nhiều địa phương vẫn chưa mạnh dạn chuyển đổi để đưa cây trồng xuất khẩu vào sản xuất, chưa khai thác tốt tiềm năng đất đai, các công ty không mở rộng được sản xuất, thiếu nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu.

                            Vùng ớt  Xuất Khẩu Định Long, Yên Định

 

Với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa, hướng kinh doanh công ty đề ra là tập trung vào việc nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, gắn việc xây dựng vùng nguyên liệu với việc tiêu thụ, chế biến nhằm tăng giá trị sản phẩm, tăng giá trị xuất khẩu. Công ty mở rộng địa bàn, chọn lựa giống cây có giá trị xuất khẩu cao đang được thị trường thế giới ưa chuộng như dưa bao tử, dưa thương phẩm, cà chua bi, ớt tươi đông lạnh, ớt muối…. xây dựng thành vùng nguyên liệu rau quả xuất khẩu tập trung và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN). Công ty đã trực tiếp cung ứng trước hạt giống, phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu phòng trừ sâu bệnh đặc hiệu cho các nông hộ, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp chuyển giao kỹ thuật về cách gieo trồng và chăm sóc từng loại cây cho nông dân. Bên cạnh đó, công ty còn tổ chức cho lãnh đạo và bà con nông dân ở một số địa phương năm đầu thực hiện trồng ớt cho công ty đi tham quan, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa công ty với người sản xuất. Từ khi Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa ký kết hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu rau quả, các xã Hoằng Thành, Hoằng Phong đã mạnh dạn quy vùng, chuyển đổi một số cây trồng kém giá trị sang trồng ớt xuất khẩu, xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm. HTXDVNN Hoằng Phong quy đổi trên diện tích 5 ha ở một số thôn sang trồng cây ớt xuất khẩu, năng suất đạt trên 30 tấn/ha/vụ. Như vậy, với 2 vụ ớt, bà con thu được từ 150 đến 180 triệu đồng/ha/năm.

Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu rau quả. Bên cạnh vùng nguyên liệu tại tỉnh Ninh Bình, hàng năm công ty đã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với 13 tỉnh, thành phố trong cả nước với diện tích gần 15.000 ha vùng nguyên liệu. Đại diện công ty cho biết: Tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương có diện tích sản xuất rau quả xuất khẩu lớn với 3.000 ha mỗi năm (ngô ngọt 1.500 ha, đậu tương rau 900 ha, rau chân vịt 300 ha, 300 ha các cây trồng khác như chanh leo, chuối tiêu hồng…). Theo tính toán, những vùng sản xuất rau quả phục vụ chế biến, xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế tương đối ổn định. Rau chân vịt cho doanh thu 300 triệu đồng/6 tháng mùa đông và xuân; cây đậu tương doanh thu 250 triệu đồng/năm; cây ngô ngọt 180 triệu đồng/năm…Đại diện công ty cũng cho biết, tỉnh Thanh Hóa có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng rất phù hợp với các loại cây trồng xuất khẩu này. Nếu được tạo điều kiện thuận lợi trong tích tụ ruộng đất, sẽ phát triển được nhiều vùng sản xuất rau quả xuất khẩu quy mô lớn, mang lại nguồn nguyên liệu ổn định cho công ty và lợi nhuận cao hơn cho nông dân.

Thanh Hóa đã có các mô hình sản xuất rau, hoa quả cho thu nhập trên trăm triệu đồng/ha nhưng nhận thức về vị trí, vai trò và lợi ích của việc phát triển sản xuất và xuất khẩu rau, quả ở nhiều nơi vẫn còn hạn chế. Cho tới nay, sản xuất của người nông dân vẫn chủ yếu theo kinh nghiệm và phương pháp truyền thống, dựa chủ yếu vào khai thác lợi thế tự nhiên, theo mùa vụ nên vào thời kỳ cao điểm của các mùa vụ thì lượng hàng hóa tập trung quá cao, không tiêu thụ nhanh thì thua lỗ nặng, nhưng trái vụ thì hầu như không có, không tạo được sản lượng đủ lớn, ổn định cho xuất khẩu. Sản xuất chủ yếu vẫn theo quy mô hộ gia đình. Quy mô sản xuất quá nhỏ bé khiến cho sản lượng hàng hóa không nhiều. Bên cạnh đó, việc mở rộng sản xuất cây rau quả phục vụ chế biến, xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn. Hợp đồng ký kết giữa một số doanh nghiệp với nông dân chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng. Khi giá thị trường lên cao, nông dân bán sản phẩm ra ngoài hoặc bán lẻ ở chợ. Nhiều hộ nông dân còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc kích thích sinh trưởng tùy tiện nên sản phẩm không đạt yêu cầu.

Để sản xuất rau quả phục vụ chế biến, xuất khẩu đạt hiệu quả cao có rất nhiều vấn đề cần phải được đặt đúng vị trí và có sự quan tâm đúng mức. Trước hết, việc khuyến khích nhân rộng mô hình liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp là rất cần thiết. Cần có cơ chế hỗ trợ các HTX xây dựng mối quan hệ giữa người sản xuất và các nhà xuất khẩu. Ngành chức năng tăng cường các dịch vụ, cung cấp thông tin thị trường cho người sản xuất; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến rau quả cho người sản xuất cũng như các tác nhân trung gian. Các địa phương khuyến khích nông dân áp dụng giống mới, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và chế biến rau quả, đầu tư xây dựng mô hình trồng rau quả chất lượng cao…

Nếu được quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức, trong thời gian không xa, vùng rau quả xuất khẩu ở tỉnh ta sẽ được mở rộng. Đây chính là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm, sản xuất rau quả trên địa bàn tỉnh đa số là nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đồng đều. Mặt khác, sản xuất không theo quy hoạch nên việc quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng là rất khó khăn; bố trí mùa vụ sản xuất không tập trung nên dễ xảy ra t́nh trạng nguồn cung thay đổi gây nên khủng hoảng thừa hoặc thiếu cục bộ, ngăn cản quá trình áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, tăng chi phí sản xuất, gây khó khăn trong việc quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và quản lý dịch bệnh. Trong điều kiện các rào cản thương mại trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, thực phẩm ngày càng cao, để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng rau quả, các hiệp hội, cũng như các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ rào cản thương mại, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường để đảm bảo tiêu thụ kịp thời, hiệu quả hàng hóa cho nông dân, HTX, các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để phát triển thị trường tiêu thụ bền vững, các sở, ngành có liên quan của tỉnh cần tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo đảm hàng hóa nông sản xuất khẩu trong tỉnh đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng. Đồng thời, ngoài xuất khẩu các loại rau quả tươi, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào khâu chế biến để đa dạng sản phẩm, tăng giá trị rau quả xuất khẩu./.

                                                                                                           Văn Lộc