Phát triển vùng rau an toàn tại huyện Hoằng Hóa

Những năm gần đây, thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội và luôn được người tiêu dùng quan tâm hơn bao giờ hết. Ngày nay, con người chú trọng đến sức khỏe nhiều hơn cộng với sự phát triển của khoa học công nghệ thì nhận thức của họ về thực phẩm cũng ngày càng nâng cao dẫn đến nhu cầu về thực phẩm sạch trong đó có rau sạch, rau an toàn cũng tăng. Xuất phát từ nhu cầu đó mà các vùng rau an toàn huyện Hoằng Hóa được triển khai, đẩy mạnh thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho các hộ sản xuất.

Theo thống kê của Phòng NN và PTNT huyện Hoằng Hóa, toàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh rau màu với tổng diện tích hơn 3.278 ha,  trong đó có120 ha  đã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tập trung chủ yếu ở các xã: Hoằng Giang, Hoằng Hợp, Hoằng Trinh, Hoằng Lưu, Hoằng Thắng,….Trong đó nhiều chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau quả có liên kết đã được hình thành như HTX rau an toàn Hoằng Hợp, Hoằng Giang,  HTX củ quả do nữ làm chủ Hoằng Thắng,… để phục vụ các bếp ăn trường học, khách sạn, nhà hàng, siêu thị và các cửa hàng thực phẩm an toàn trong tỉnh như hệ thống siêu thị The City, Coop mart,…Theo tính toán, sản xuất rau áp dụng khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn vào sản xuất cho năng suất cao hơn phương pháp truyền thống, sản lượng ước đạt 160 – 170 tạ/ năm,thu nhập bình quân đạt 220 triệu đồng/năm. Việc phát triển vùng rau an toàn luôn được huyện, các xã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và lựa chọn loại cây trồng phù hợp với thời vụ, thổ nhưỡng, nhu cầu sử dụng… Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học, canh tác hữu cơ, thuận tự nhiên, sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, vi sinh, thảo mộc nhằm giảm tồn dư thuốc BVTV trên sản phẩm. Ứng dụng CNC trong sản xuất như xây dựng nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới nước, sử dụng máy bay không người lái bón phân, phun thuốc trừ sâu tự động,…. Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về cách trồng, chăm sóc và bảo quản sơ chế sau thu hoạch, xây dựng và phát triển thương hiệu rau an toàn. Vì thế giá rau an toàn luôn cao hơn so với rau canh tác thông thường, từ đó hiệu quả kinh tế đối với những diện tích sản xuất rau an toàn đạt chứng nhận VietGAP đều caohơn so với sản xuất thông thường từ 1,5 đến 2 lần. Không chỉ thế mà lợi ích của việc phát triển các vùng rau an toànđó là ổn định được đầu ra thông qua các chuỗi liên kết, hợp đồng liên kết,  góp phần thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao kiến thức của người sản xuất để thích nghi với xu thế làm nông nghiệp hữu cơ hiện đại, sản xuất quy mô lớn, theo hướng hàng hóa đồng thời nâng cao nhận thức, thay đổi xu hướng người tiêu dùng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giai đoạn 2018 – 2022, để đáp ứng quy mô dân số tăng và nhu cầu dinh dưỡng tiêu thụ rau an toàn trong và ngoài huyện, diện tích sản xuất toàn huyện Hoằng Hóa tăng từ 120 ha lên hơn 200ha. Định hướng đến năm 2025, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất rau hàng hóa với diện tích 570,37ha. Trong đó: vùng sản xuất rau an toàn ứng dụng khoa học công nghệ được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP tăng lên 252,31 ha, vùng rau ứng dụng công nghệ cao là 48ha, vùng sản xuất rau chế biến và xuất khẩu đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: cà rốt, khoai tây, ớt xuất khẩu, dưa bao tử. Để đạt đươc mục tiêu đó, huyện sẽxây dựng các vùng rau chuyên canh tập trung, quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt; Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn, đất đai; đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tổ chức các dịch vụ hỗ trợ đồng bộ kèm theo;Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học – kỹ thuật cho người dân phát triển vùng RAT theo tiêu chuẩn VietGAP, globalGap,…;phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, mã định danh đối với các vùng sản xuất; tăng cường tuyên truyền quảng bá sản phẩm rau an toàn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh rau an toàn tham gia các hội trợ trong và ngoài tỉnh để giao lưu học hỏi, hợp tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường để có định hướng kế hoạch sản xuất đáp ứng nhu cầu không chỉ trong huyện, tỉnh mà còn hướng tới xuất khẩu.

Phát triển vùng rau an toàn góp phần từng bước thay đổi nhận thức của người dân về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, sản phẩm nông nghiệp an toàn giúp nâng cao hiệu quả kinh tế người sản xuất, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái và có tác động tích cực tới các mặt của xã hội.

Phương Thúy