THANH NIÊN KHỞI NGHIỆP XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Hưởng ứng trương trình “Quốc gia khởi nghiệp” thanh niên xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa với tinh thần xung kích đã mạnh dạn đầu tư phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Rất nhiều dự án, mô hình có hiệu quả kinh tế cao đã được thực hiện thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tiêu biểu như mô hình nuôi thỏ của Đồng chí Lê Canh Tuấn thôn 2 Hồng Thái, xã Hoằng Đồng. Trong bối cảnh hiện nay ngành chăn nuôi bị thiệt hại rất nhiều từ dịch bệnh, như dịch tả lợn Châu Phi vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi, thỏ lại là loài nuôi ít bị dịch bệnh, dễ nuôi.

Anh Tuấn bắt đầu tìm hiểu thông tin, tự đi tham quan học tập mô hình ở nhiều nơi. Anh nhận thấy, loài thỏ rất dễ nuôi, sinh sản nhanh, trong khi vốn đầu tư ít, lợi nhuận cao, quay vòng vốn nhanh. Từ 10 con giống ban đầu, Tuấn đã đầu tư chuồng trại và nhân rộng quy mô đàn. Đến hiện tại, sau 3 năm, mỗi tháng anh cung cấp cho thương lái từ 50 – 60 con thỏ thịt, với mức giá ổn định 55.000 – 60.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh còn cung cấp thỏ giống ra thị trường. Thu nhập từ bán thỏ giống và thỏ thương phẩm đạt trên 100 triệu đồng/năm.

Thức ăn chủ yếu của Thỏ là rau lang được trồng trong khuôn viên trang trại

Từ thực tế, anh Tuấn đúc kết đây là mô hình có nhiều ưu điểm do tận dụng được tối đa nguồn thức ăn sẵn có là các loại rau, cỏ dại tại địa phương, như: Rau lang, lá sắn… Theo anh, trồng cây, nuôi con gì nếu không phát triển thành vùng tập trung thì chẳng thể nào tạo ra sản phẩm hàng hóa được. Vì vậy, anh bán thỏ giống cho những người nuôi mới nhằm mở rộng quy mô sản xuất.

Theo ghi nhận, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng thịt thỏ nên mức độ tiêu thụ thỏ giống, thỏ thương phẩm hiện nay khá lớn. Tuy nhiên, mỗi người nuôi theo mỗi kiểu khác nhau, nhiều thời điểm bị tư thương ép giá phải bán với giá rẻ mạt là những hạn chế mà người nuôi thỏ luôn phải đối mặt. Nhận thấy cần phải liên kết thì làm ăn mới hiệu quả và bền vững, anh Tuấn tìm hiểu và kết thân với nhiều thanh niên có cùng chí hướng làm giàu ở nông thôn. Mục đích là liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, mỗi người một việc nhưng các thành viên luôn hỗ trợ nhau để cùng phát triển.

Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cho thanh niên. Tuy mới thành lập, nhưng hiệu quả ban đầu đã thấy rõ thu nhập, luôn ổn định và có chiều hướng tăng bền vững.

Lê Quyền